Video đám đông đổ xô vào hôi của khi một xe chở bia bị đổ ở Đồng Nai làm dư luận sững sờ mấy ngày qua khiến tôi nhớ lại cũng một vụ việc tương tự mới đây.
Lần ấy, đi ngang qua đường tôi chứng kiến cảnh một chiếc xe tải chở dưa hấu bị lật, tài xế đã được đưa đi bệnh viện trong khi người dân xung quanh xúm vào vác dưa hấu chất lên xe của mình. Tôi hỏi một anh đang mang "chiến lợi phẩm" về trong sự hân hoan: “Sao lại lấy đồ của người ta? Công sức và tiền bạc của người khác mà anh lại nỡ ẵm không như thế à?”. Anh đáp lời gọn lỏn: “Ui dào, thấy mọi người lao vào lấy thì tôi cũng lấy, mình lấy một quả đâu có ăn thua gì với so với số hàng kia”.
Nghĩ mà đau lòng. Những hành động như thế này có khác gì cướp ngày đâu. So với cách đây vài chục năm, đời sống của nhân dân ta đã khấm khá hơn rất nhiều nhưng nạn hôi của lại diễn ra khắp nơi và có chiều hướng ngày càng tăng.
Hôi của không phải là một hành vi của một con người, hoàn toàn trái với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Nước ta giàu có đến mấy mà sự phát triển về văn hóa và nhận thức con người không theo kịp thì đúng là bi kịch. Vậy xuất phát từ nguyên nhân nào người Việt lại có thói hôi của?
Nhiều người cho rằng nguyên nhân của tệ nạn trên là do dân ta còn nghèo quá. Thời buổi này, thất nghiệp tràn lan, cuộc mưu sinh trở nên vất vả hơn bao giờ hết, nhiều người càng dễ đánh mất lòng tự trọng để trở thành những kẻ hôi của.
Với họ, những thứ như “lòng tốt, tương thân tương ái, giúp đỡ kẻ hoạn nạn…” chỉ có trong sách vở. Miễn sao họ kiếm thêm được chút để lo cho bản thân và gia đình là được. Dường như họ đã quên mất lời răn dạy của ông bà ta “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Nghèo nhưng không được hèn”...
Vụ người dâng mang xe ba ra hôi bia rúng động dư luận mấy ngày nay.
Đều là người lao động, đều khó khăn, khổ cực trên đường mưu sinh nhưng sự ích kỉ khiến họ trở thành những người chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không đoái hoài gì đến những thiệt hại về vật chất mà các tài xế chở bia, chở dưa hấu phải gánh chịu.
Khi thưởng thức những chai bia có được do ăn cắp, họ sẽ sung sướng hả hê như thế nào? Giả sử họ gặp phải hoàn cảnh trớ trêu như vậy, họ có đau xót và bất lực nhìn đống của cải bị chiếm hữu trắng trợn, có hận những kẻ hôi của như chính họ ngày hôm nay không?
Hôi của xuất phát từ lòng tham vô đáy và sự ích kỉ, dù họ ý thức được đó không phải là tài sản của mình nhưng lại dung túng bản thân, cho bản thân cái quyền ngang nhiên đút túi. Sự tham lam vô lối đã lấn át lý trí và lòng tự trọng khiến họ - những người hôi của – có thể biết rõ việc mình làm là sai nhưng vẫn làm, bỏ qua việc bị cả xã hội lên án.
Nhưng trong đám đông đổ xô hôi những lon bia tràn ngập trên mặt đường kia có những người không nghèo khổ mà tại sao họ vẫn ùa vào?
Căn nguyên sâu xa nhất của tệ nạn hôi của cũng như nhiều vấn nạn khác, theo tôi, là trách nhiệm cá nhân đã bị coi nhẹ trong cộng đồng, tâm lý đám đông đã ngấm vào máu, từ quan chức tới người dân. Nhiều vị quan nhà nước tham nhũng từ nhỏ đến lớn vì nghĩ rằng tham nhũng đầy ra đấy, thêm mình vào nữa đâu có sao. Còn người dân đổ xua hôi của, cướp giật hoa xuân, xả rác trên đường phố..., cũng tặc lưỡi bao nhiêu người đang làm vậy, thêm mình nữa nhằm nhò gì.
Thế nên Việt Nam vẫn còn nghèo. Thế nên chỉ một đám đông hôi của, mà cả đất nước cảm thấy ê chề.
Trách nhiệm cá nhân cần phải được quy định rõ ràng, dù nhỏ đến lớn đều phải bị chế tài, xử lý và trừng phạt theo pháp luật. Đã đến lúc nhà nước phải ban hành luật trừng phạt những hành vi như hôi của, cướp hoa... Nói ra nghe thật đau lòng, nhưng không còn cách nào khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét