Bài mới nhất
Loading...
2/10/13

Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ - Phần 4

20:29
Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ - Phần 3


30

- Có thật vậy không con? Hoàng hậu năm ngoái lộ vẻ kinh ngạc khi nghe công chúa Dây Leo kể về những gì cô chứng kiến tối hôm qua.

- Con nói thật mà. Chính mắt con nhìn thấy rõ ràng. Mèo Gấu nhà mình kêu thế này này: Chít! Chít! Chít!

Hoàng hậu đặt cuộn len và cây kim đan xuống đùi, hy vọng động tác đó sẽ làm đầu óc bà tập trung hơn. Nhưng bà cũng cần thêm một cái nhíu mày trước khi nêu ra thắc mắc:

- Mèo Gấu học tiếng chuột để làm gì nhỉ? Mẹ nghĩ một con mèo có thể sống tốt đẹp đời mèo mà không cần học ngoại ngữ.

- Có lẽ mèo Gấu nhà ta muốn dùng tiếng chuột để dụ bọn chuột. – Công chúa suy đoán, cô không tìm ra cách giải thích nào khác.

Hoàng hậu Năm Ngoái một tay lăn tròn cuộn len trên váy áo, tay kia ve vẩy cây kim đan một cách kích động.

- Đúng rồi! – Bà nói (reo lên thì đúng hơn) – Hèn gì mấy ngày gần đây mẹ không thấy bọn chuột cắn phá đồ đạc trong nhà ta nữa.

- Con nghĩ bọn chuột đã bị mèo Gấu bắt gần hết rồi.

Công chúa nói, mặt rạng ra, cô đang nhớ tới cái hạn định một tháng của nhà vua.

31

Nhà vua Sang Năm đón nhận tin đó bằng một cái khoát tay:

- Anh không tin! Bọn chuột vẫn còn đầy ra đấy! Trước thái độ của chồng, hoàng hậu Năm Ngoái chỉ biết ngân lên một tiếng “ơơơ… ơ… ơ” và nhìn nhà vua bằng đôi mắt rất tròn.

- Ơ gì mà ơ! – Nha vua nhún vai, hàng ria mép rung rung, trông ông rất giống một con chuột già khó tính – Anh nói có gì không đúng sao?

- Em không rõ lắm! – Hoàng hậu đột nhiên dè dặt – Nhưng sự thực là vài ngày nay em không thấy dấu vết quậy phá của lũ chuột. so với năm ngoái.

- Một lũ chuột không quậy phá thì vẫn là một lũ chuột.

Nhà vua cắt lời vợ bằng một câu nói có vẻ được trích từ một giáo trình triết học, và dĩ nhiên là hoàng hậu rất muốn ngân lên một tiếng “ơ” nữa nhưng bà kềm lại được.

- Ba nói vậy là sao? – Công chúa Dây Leo cảm thấy mình cần phải lên tiếng.

Trông cái cách cô nhím chằm chằm vào mặt nhà vua có cảm tưởng cô đang chờ đợi một câu giải thích tồi tệ nhất – nghĩa là ít dính dáng đến số phận của mèo Gấu nhất.

32

Nhà vua gõ những ngón tay lên mặt bàn, cử chỉ ông chỉ làm khi muốn nghe chú ý:

‐ Ba muốn nói là lũ chuột trong nhà ta vẫn còn y xì ra đó chứ chẳng biến đi đâu hết !

‐ Nhưng…

Công chúa cứ như muốn nhỏm người lên khỏi chỗ ngồi, nhưng nhà vua chỉ để cô nói đúng một từ.

Ông đáp ngay, không cần nghe hết câu :

‐ Nếu lũ chuột không cắn xé có thể vì chúng đang có vấn đề về răng. Chúng không cắn xé được nhưng chúng kêu được. Con tưởng ba có thể yên giấc mỗi đêm giữa dàn đồng ca của lũ chuột hay sao?

Nhà vua thở phì phì :

‐ Căn cứ vào những tiếng rúc rich hằng đêm, ba có cảm giác lũ chuột trong nhà ta vẫn chẳng thiếu vắng con nào !

Rồi ông kết luật bằng một nhận xét chắc chắn làm công chúa rất buồn phiền

‐ Con mèo của nhà ta đúng là một con mèo vô tích sự !

Mèo Gấu buồn phiền không kém gì công chúa.

Chú nhớ những lúc công chúa Dây Leo ôm chú vào lòng và rúc những ngón tay vào bộ lông mềm của chú, giọng rên rỉ:

‐ Thế thì khốn khổ cho mày rồi, Gấu ơi! Bọn chuột đã thôi cắn phá nhưng chúng vẫn lít chit hằng đêm, mày nghe thấy chứ?

Cô cúi nhìn Gấu, mái tóc đẹp rũ xuống trên trán con mèo:

‐ Hóa ra lâu nay mày chẳng tóm được con chuột nào hở Gấu? Mày giả tiếng chuột hay đến thế cơ mà!

Gấu nằm im trong lòng công chúa, chú nghe tất cả, nhưng không biết nói gì, dù là nói tiếng mèo hay tiếng chuột.

Nỗi lo lắng đã khóa miệng chú lại, khóa cả tâm trí chú. Mèo Gấu đã thấy đầu óc mình vón cục lại, chẳng ý tưởng nào mọc lên cũng chẳng có ý tưởng nào gieo xuống.

Chú đã cố giúp con chuột nhắt và bạn bè của nó. Chú đã làm tất cả những gì một con mèo có thể làm được, điều mà những con mèo khác không bao giờ làm.

Nhưng bây giờ thì hỏng bét. Những tiếng chít chít chít.

Chuột kêu chít chít chít cũng như mèo kêu meo meo meo, chó kêu gâu gâu gâu, lá kêu rì rào và cỏ kêu xào xạc. Đó là âm thanh của tự nhiên, chú có quyền năng gì bắt cuộc sống phải ngưng lại để nhà vua Sang Năm dễ ngủvà chú khỏi bị tống khỏi nhà.

Chán nản và bất lực, mèo Gấu chả buồn nghĩ ngợi nữa. Chú để mặt cho đầu óc bềnh bồng, bềnh bồng.

Trong một lúc chú thấy tâm trí chú loãng đi, trắng và xốp, như những đám mây và một nỗi nhớ dịu nhẹ tràn về:

Chỗ em nắng đã lên chưa
Nửa đêm gió lạnh sương lùa làm sao?
Mùa đông về tới cổng rào
Nhớ tìm áo ấm mặc vào, Áo Hoa!

33

Công chúa Dây Leo buồn phiền, mèo Gấu buồn phiền. Và Tí Hon khi biết chuyện, cũng rất buồn phiền. Nó chẳng biết làm gì để giúp con mèo, đúng ra là giúp bản thân nó và cộng đồng chuột.

Mèo Gấu bị tống đi, sẽ có một con mèo hung dữ khác được đưa về. Hoặc là những chiếc bẫy sắt với vô số lưỡi dao sắc nhọn.

Tí Hon có thể khuyên lũ chuột đừng mò vào lâu đài cắn xé các loại bao bì, đục khoét các loại hạt. Nhưng nó không thể bảo chuột đừng kêu mỗi đêm cũng như bảo mặt trời đừng mọc mỗi ngày.

Để khỏa lấp nỗi buồn, Tí Hon suốt ngày lôi bút chì ra vẽ.

Nó vẽ chuột. Nó chán vẽ ông chuột, bà chuột. Nó vẽ nàng chuột lang. Bức nào cũng chuột lang. Nàng chuột lang trèo. Nàng chuột lang đi. Nàng chuột lang chạy. Nàng chuột lang ngủ

Rồi nó vẽ nó. Nó vẽ nó đang nằm ngủ trên một bãi cỏ xanh, dưới bóng cây bạc hà miêu.

Và giống như mọi con chuột đang ngủ khác, nó nằm mơ. Nó thể hiện giấc mơ bằng cách vẽ những vòng tròn từ nhỏ đến to. Những vòng tròn đó bay ra từ đầu nó, như thể nó đang thổi bong bóng bằng tai. Ở vòng tròn lớn nhất, nàng Út Hoa đang nằm bình yên như một quả xoài trầm ngâm đợi chín.

Chú chuột nhắt đang mơ thấy “bạn gái” của mình đấy.

Nàng chuột lang khoét một cái ngách bí mật để cất giữ những bức tranh Tí Hon tặng mình.

Nàng, và tất nhiên cả chàng nữa, không muốn bất cứ một con chuột nào khác nhìn thấy những bức tranh đó

Chúng sợ bị trêu chọc.


34
Sau khi vẽ chuột, Tí Hon xoay qua vẽ mèo.

Trước đây, Tí Hon chưa từng vẽ mèo.

Bức tranh mèo duy nhất nó vẽ chính là bức tranh nó buộc phải vẽ theo ý giáo sư Chuột Cống.

Khi bắt nó vẽ bức tranh khiêu khích đó và buộc nó kéo ngang qua trước mặt con mèo trong cung điện, ngài giáo sư muốn đẩy nó vào ngục.

Nhưng Tí Hon không những không mất mạng, còn kết thân với con mèo trước ánh mắt hằn học của ngài giáo sư.

Nhưng Tí Hon không quan tâm giáo sư Chuột Cống nghĩ gì. Càng ngày nó càng mến mèo Gấu.

Mèo Gấu tặng nó lương thực.

Mèo Gấu tặng nó những bài thơ. Và với tư cách một người mẫu, mèo Gấu giúp nó hoàn thành những bức tranh mèo.

Chưa bao giờ nó vẽ mèo sinh động đến thế. Nó vẽ mèo Gấu trèo. Nó vẽ mèo Gấu đi. Nó vẽ mèo Gấu chạy. Nó vẽ mèo Gấu ngủ.

Nó vẽ mèo Gấu nằm bên một con chuột nhắt. Con chuột đó hẳn nhiên là nó. Cuối cùng nó vẽ mèo Gấu nằm ngủ trên ban công, bên cạnh dãy lan can phủ kín dây tóc tiên với những đốm hoa đỏ li ti.

Trong giấc ngủ của con mèo cũng có những vòng tròn từ nhỏ đến to. Trong vòng tròn lớn nhất, nó vẽ một nàng mèo tam thể xinh đẹp và yêu kiều.

Mèo Gấu đang mơ thấy “bạn gái” của mình đấy. Tí Hon tủm tỉm khi quẹt nét bút cuối cùng lên bức tranh nó tin mèo Gấu sẽ rất thích.


35

‐ Ờ, hơi hơi giống!

– Mèo Gấu nói, chú nhìn bức tranh bằng ánh mắt nhiều cảm xúc.

‐ Chỉ hơi hơi thôi á?

– Tí Hon hỏi lại bằng giọng phụng phịu.

‐ Ờ, đuôi của Áo Hoa dài hơn.

Tí Hon cặm cụi vẽ lại mẩu đuôi.

‐ Tai Áo Hoa Bé hơn

Tí Hon sửa lại vành tai.

‐ Những đốm màu trên người Áo Hoa nữa. Nó nằm ở chỗ này, chỗ này, chỗ này…

Mèo Gấu chỉ tay vào bức tranh. Chú di chuyển những ngón tay trên tờ giấy như một tướng lãnh đang giải thích cho sĩ quan tác chiến cách bố trí hỏa lực trên bản đồ quân sự.

Sĩ quan chuột nhắt bôi bôi xóa xóa tô tô vẽ vẽ theo sự hướng dẫn của tướng lãnh mèo.

Hí hoáy một lúc, Tí Hon ngước đôi mắt nhỏ xíu lên nhìn con mèo:

‐ Đã giống chưa hả anh?

‐ Giống rồi! Giống lắm! Mèo Gấu khen, những ánh mắt chú đột nhiên xa xăm.

Chú chuột nhắt nhìn sững con mèo, nhưng nó không hỏi. Nó biết con mèo này đang nhớ con mèo kia.

Nó cũng thế thôi. Nó là một con chuột, nhiều lúc nhớ quay quắt một con chuột khác.

Những khoảnh khắc đó, có dùng cả trời xanh làm gàu cũng không tát cạn được nỗi buồn.


36

Sau một lúc, mèo Gấu có vẻ lần ra được ngoài rìa của cơn mơ. Nó đập tay lên vai con chuột nhắt:

‐ Tí Hon nè!

‐ Dạ.

‐ Ảnh bảo em chuyện này nhé!

‐ Chuyện gì hả anh?

‐ Em vẽ chị Áo Hoa đã giống lắm rồi!

‐ Dạ.

– Tí Hon ngơ ngác, vẫn chưa biết con mèo muốn gì.

Mèo Gấu đưa mắt nhìn ra ngoài trời, thấp giọng:

‐ Em có thể vẽ thật thật nhiều bức tranh giống như vậy chứ?

‐ Thật nhiều là bao nhiêu ạ?

‐ Anh cũng chẳng biết. Tí Hon liếm mép như thể nó vừa ăn kem: ‐ Mười bức hả anh?

‐ Nhiều hơn thế! ‐ Hai mươi bức?

‐ Vẫn còn ít lắm! Tí Hon gãi tai:

‐ Thế một trăm bức hả anh?

Mèo Gấu chép miệng: ‐ Anh không rõ một trăm bức đã đủ chưa?

Đầu chú chuột nhắt quay tít mù:

‐ Thế anh định làm gì với những bức tranh?

‐ Chúng ta sẽ dán những bức tranh ngoài phố. Dán lên tường.

‐ Dán lên tường?

‐ Ờ, bắt đầu từ nhà mình.

‐ Để làm gì vậy?

‐ Nếu chị Áo Hoa trong thấy, chị ấy sẽ biết đường đi tìm anh.

‐ Em biết rồi. Chị ấy sẽ lần theo những bức tranh.

‐ Đúng rồi. ‐ Như vậy sẽ phải vẽ nhiều lắm đấy.

‐ Em làm được không?

‐ Em sẽ làm được. Em muốn một ngày nào đó được gặp chị Áo Hoa

‐ Rồi em sẽ gặp.

‐ Thế em vẽ ngay hôm nay hở anh?

‐ Ờ, ngay hôm nay.

Từ hôm đó mèo Gấu nhặt nhạnh (cả đánh cắp nữa) bất cứ tờ giấy nào nó tìm thấy trong cung điện, đem cho chú chuột họa sĩ.

Còn Tí Hon từ sang đến tối chỉ làm mỗi việc: vẽ, vẽ và vẽ.

Bọn chuột nhóc xúm lại xem, bàn tán ầm ĩ:

‐ Mày vẽ con mèo nào thế?

‐ Một con mèo tam thể à?

Tí Hon thì thầm:

‐ Chị Áo Hoa đấy.

‐ Chị Áo Hoa nào?

Tí Hon nói giọng bí mật:

‐ Tụi mày không biết đâu!

‐ Thế mày biết à?

‐ Tao hở? Tao cũng… không biết!

Hi hi hi… Buổi tối, Tí Hon cùng Út Hoa lẻn ra ngoài, và cùng với mèo Gấu đi dán các bức tranh lên các dãy tường dọc phố.

Tối hôm sau, cả ba đi xa hơn, qua thật nhiều những ngã tư để đến những khu phố khác. Tối hôm sau nữa, cả ba đi xa hơn nữa, qua thật nhiều những ngã tư khác nữa.

Tụi nó đi về các hướng khác nhau (vì thực sự mèo Gấu chẳng biết căn nhà cũ của nó ở về phía nào) và lấp đầy bất cứ khoảng tường nào còn trống bằng bức chân dung nàng mèo tam thể.

Đã không ít lần Tí Hon và Út Hoa gặp nguy hiểm trước lũ mèo hoang, nhưng những lúc như vậy mèo Gấu đều kịp thời can thiệp, sau đó chú lếch thếch trở về với thân thể đầy thương tích.

37
(Không có truyện chỉ có một hình ảnh)

38

‐ Mày làm sao thế hở Gấu? Một ngày công chúa Dây Leo phát hiện những vết xước trên người con mèo. ‐ Mày đi đánh nhau với bọn chuột à?

Nhiều mảng lông của chú bị tróc, có nơi lộ cả da và cô nhìn thấy những vết cào.

‐ Chúng đánh mày ra nông nỗi này ư? Tệ hơn nữa, tai trái của chú bị rách

‐ Nhưng làm sao một con mèo lại bị lũ chuột cấu xé như thế này được?

Công chúa nói, lo lắng, bồn chồn, không cần phải tinh ý như tác giả mới thấy mắt cô ngân ngấn nước.

Mèo Gấu nghe thấy hết và nhìn thấy hết, nhưng nó không thế nói được ngon ngữ của loài người.

Giả như có nói được thì nó cũng không biết nói gì. Chẳng lẽ bảo với công chúa rằng nó bị những con mèo khác tấn công và sở dĩ như vậy là vì nó ra sức bảo vệ cho lũ chuột. Nói vậy có thánh mới tin nổi! Công chúa thì không phải là thánh.

‐ Hay để tao xích mày lại để mày khỏi đi đánh nhau?

Công chúa vừa nói dứt câu, con mèo nhảy phóc một cái, đã ở trên cành sứ.

‐ Thôi, tao nói đùa thế thôi.

Công chúa xuống giọng. Cô cũng chẳng muốn xích con mèo. Một con mèo vô dụng đến mức phải xích lại để khỏi bị chuột tấn công, đó là cái cớ chính đáng để nhà vua Sang năm tống mèo Gấu ra cửa mà không ai có thể ngăn cản được.


39

Trong khi mèo Gấu te tua xơ mướp thì con chuột Tí Hon cũng đến ngày xơ mướp te tua. ‐ Thằng què này! – Giáo sư Chuột Cống gầm lên khi thấy xấp tranh mèo.

Giọng ngày loáng xoảng như tiếng xoong chảo vỡ, nghe mới hung tợn làm sao.

Ở đây cũng nên nói qua một chút về ngài giáo sư Chuột Công. Ngày vốn không phải cư dân của cái hang này. Đây là xứ sở của chuột nhắt, với rất nhiều đường ngang ngõ tắt trong lòng đất xốp và ẩm. Trước khi Chuột Cống lạc tới đây, trong hang vẫn có nhiều thức ăn dự trữ - đó là thói quen của chuột nhắt.

Giáo sư Chuột Cống lâu nay vẫn sống dưới các cống ngầm và nơi kiếm ăn ưa thích của ngài là các bãi rác ở khu chợ. Nhưng một đêm nọ, thợ săn chuột xuất hiện. Vô số những cây sào tre chọc xuyên vào lòng cống. Ngài giáo sư run rẩy chứng kiến rất nhiều đồng bọn của mình bị sa vào các mẻ lưới chăng ở cửa cống.

Chân chuột cống có móng dài, đã vướng vào các mắt lưới, vùng vẫy thế nào cũng không thoát.

Giáo sư Chuột Cống may mắn chạy thoái nhờ tuôn vào một kẽ nứt trên đường ống. Ngài chạy thục mạng, hồn vía lên mây, rồi số phận xui khiến ngài chạy đến cung điện của nhà vua, lạc vào lãnh địa của cộng đồng chuột nhắt.

Từ hôm đó, tự nhiên ngài trở thành trùm. Bên cạnh những con chuột nhắt bé tí thì một con chuột cống bẩn thỉu, ướt át và to cồ cộ chẳng khác nào một ông khổng lồ. Ngài giáo sư lại là một con chuột cống hung dữ, quỷ quyệt và háu ăn.

Ngài ở với lũ chuột nhắt một tuần, đã chén sạch kho dự trữ trong hang.

Chuột cống là loài chuột ăn tạp nên ngũ cốc và sâu bọ vẫn không làm thỏa mãn khâu vị của ngài. Những bịch cơm Tí Hon tha vè mỗi ngày với sự trợ giúp của mèo Gấu dĩ nhiên không làm giáo sư Chuột Cống hài lòng.

Đêm đến ngài vẫn sai phái bọn chuột nhắt mò ra phố lung sục các bãi rác kiếm thức ăn về cho ngài. Đã có nhiều con chuột rơi vào miệng bọn mèo hoang khi thực hiện công việc nguy hiểm này.

Cộng đồng chuột tuy bất mãn nhưng không dám chống đối. Giáo sư Chuột Cống đe rồi. Rằng nếu cần ngài sẽ gọi cả binh đoàn chuột cống tới quét sạch cái hang này.

Cũng chẳng ai biết Chuột Cống có học hành gì không nhưng ngài cứ xưng là giáo sư. Và tự cho phép mình không phải động tay động chân gì hết, chỉ phụ trách việc giảng giải đạo lí làm… chuột, kiêm cả quan toàn phán xét mọi phát ngôn và hành vi trong cộng đồng.

Trong bọn, chỉ có Tí Hon, chú chuột nhắt bé nhất, là dám làm mếch lòng giáo sư.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer