Trước thời điểm ra mắt tập hai Xách ba lô lên và đi (có tên Đừng chết ở châu Phi), Huyền Chip đang gây không ít tranh cãi. Cô gái sinh năm 1990 từng khiến dư luận quan tâm khi đi du lịch bụi hơn 20 nước trên thế giới với sự khởi điểm 700 USD một lần nữa dấy lên tranh cãi về những câu chuyện về hành trình mạo hiểm khi đi du lịch, thực hư của việc đặt chân đến những nơi khó làm visa...
Xin trích đăng một đoạn trong cuốn sách này, đã từng được cô chia sẻ trên mạng
Trước khi đến châu Phi, lục địa này hoàn toàn là một điểm đen trong tâm trí tôi, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi không biết một tí gì về châu Phi. Khi nghe nói tôi chuẩn bị sang Ethiopia, Asher hỏi: “Bay sang Addis Ababa à?” Tôi ngớ người ra: “Addis Ababa là gì?”.
Anh chàng mới sạc cho tôi một trận: "Là thủ đô của cái nước mày chuẩn bị qua đấy. Chả biết gì về châu Phi mà cũng đòi sang"
Ơ hay, vì không biết gì về châu Phi nên mới phải sang để mà biết chứ!
Phấn lớn tên các nước của châu Phi tôi chưa nghe đến bao giờ, đừng nói đến thủ đô của chúng. Xin visa thế nào, đi lại ra sao, ăn tiêu cái gì tôi cũng chưa thể hình dung. Tất cả những gì tôi biết về châu Phi chỉ là hạn hán, nạn đói, nội chiến đọc được trên báo chí và những kinh nghiệm nửa kiểu chia sẻ, nửa kiểu răn đe của Asher.
Cách đó 3 năm, trong chuyến xách ba lô lên và đi của mình, anh cũng đã làm một chuyến xuống châu Phi. Nhưng kế hoạch tươi đẹp đi dọc chiều dài châu Phi từ Ai Cập xuống Nam Phi của anh chỉ thực hiện được đến Uganda là anh phải bỏ của chạy lấy người, bay thẳng lên châu Âu trở lại với thế giới văn minh.
Châu Phi là như thế đấy mày ạ. Tao cũng không biết phải giải thích thế nào. Người dân ở đấy nghĩ rất khác, sống rất khác, mọi chuyện cứ như xảy ra theo một quỹ đạo khác. Thái độ không phải là thù địch, nhưng rất khó chịu. Ngày ngày nó cứ găm vào tâm trí mày, ăn mòn sức chịu đựng của mày, để đến mức mày không chịu được nữa phải nổ tung ra.
Đến một đứa coi trời bằng vung, chẳng sợ gì chỉ sợ chán như Asher mà còn nói như thế thì không biết châu Phi thực sự như thế nào?
Nhưng mày cứ đi đi. Mày đến từ Việt Nam, có khi mày lại thích nó.
Ặc.
Sau khi nghiên cứu bản đồ và thăm dò thông tin trên mạng, tôi quyết định mình sẽ đi dọc bờ phía Đông của châu Phi, cái trục mà dân đi bụi hay gọi là Cairo - Cape Town theo tên của 2 thành phố ở hai đầu Bắc Nam của châu lục này. Nhưng sau hơn một năm xách ba lô lên và đi, tôi đã thấm thía được rằng tất cả chỉ mang tính tương đối. Lịch trình có lập ra âu cũng chỉ mang tính đối chiếu. Đi rồi mới biết chẳng có gì là giống như mình lên kế hoạch cả. Tôi chỉ có thể định hình hướng đi của mình là như thế, và có một số điểm mình không muốn bỏ qua, còn lại đường đi nước bước cụ thể thế nào thì phải tuỳ cơ ứng biến.
Bức ảnh Huyền Chip ở châu Phi đã được đăng tải khá nhiều trên truyền thông và trong tập 1 của cuốn sách.
Huyền Chip được một chàng trai châu Phi uốn tóc.
Nước tiếp theo sau Ai Cập trong trục đấy là Sudan. Mặc dù đã nghe kể quá nhiều về cảnh đẹp như mơ và những con người quá ư thân thiện của đất nước này, tôi đành cắn răng bỏ qua vì với visa Israel trong hộ chiếu thì đừng hòng chính quyền Sudan cấp visa cho tôi. Lòng đau như cắt, tôi đành đặt vé bay thẳng từ Ai Cập xuống Ethiopia. Để lấy được visa đi Ethiopia cũng không phải chuyện đơn giản.
Ban đầu, tôi xin visa từ đại sứ quán Ethiopia ở Ai Cập thì bị từ chối thẳng thừng vì họ chỉ nhận hồ sơ của những người sinh sống tại Ai Cập thôi. Tôi đưa lý do là Ethiopia không có đại sứ quán ở Việt Nam thì họ bảo tôi sang nước lân cận như Thái Lan hay Trung Quốc để xin. Tôi nhờ đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập tác động cũng không được. Nghĩ họ cố tình làm khó mình, tôi đã cáu đến mức thề sống thề chết sẽ không thèm sang Ethiopia nữa. Nhưng khi sang đến Israel, tình cờ đi qua đại sứ quán Ethiopia, tôi quên hết ân oán giang hồ vào xin tiếp. Ai ngờ bác phụ trách visa chỉ hỏi tôi mấy câu rồi gật đầu cái rụp. 15 phút, 25 đô là tôi đã có visa sang Ethiopia 3 tháng.
Những tưởng có visa, có vé máy bay là có thể ung dung cất cánh, nhưng rồi tôi vẫn bị một phen đau tim ở Cairo. Số là tôi không có visa vào hẳn trong Ai Cập, mà chỉ được phép vào khu vực Sinai. Sinai cũng thuộc Ai Cập, nhưng bán đảo này có chính sách visa riêng. Họ miễn visa cho bất kỳ ai muốn đi du lịch ở bán đảo này.
Để tiết kiệm tiền, chuyến bay Sinai - Ethiopia của tôi có quá cảnh ở Cairo, Ai Cập. Khi xuống đến Cairo, tôi phát hiện ra mình hạ cánh ở sân bay nội địa của Cairo, tức là có thể thoải mái ra ngoài mà không phải đi qua hải quan. Thế là tôi tranh thủ đến thăm gia đình Amr và những bạn bè tôi quen ở đây, không quên cầm theo số của đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập để chẳng may có bị kết tội nhập cư bất hợp pháp hay gì gì đó. Nhưng thật may, ngoại trừ nửa tiếng bị giữ lại ở sân bay để kiểm tra thì không có chuyện gì xảy ra.
Chuyến bay của tôi khởi hành lúc 2h50 sáng. Cảm nhận đầu tiên trên chuyến bay đầu tiên ở châu Phi của tôi là nó hơi... hôi hôi, mà lúc đó tôi đã thầm nghĩ: “Đúng là châu Phi”. Do không biết gì về Ethiopia, tôi đã hy vọng lên máy bay có thể hỏi chuyện người ngồi cạnh, nhưng bác ngồi cạnh tôi vừa đặt mông xuống là ngủ như chết.
Lạnh!
Châu Phi mà lại lạnh, làm tôi cứ nghĩ mình vẫn còn mơ ngủ mà bước nhầm xuống trời cuối thu Hà Nội chứ! Cái lạnh Ethiopia không gay gắt như cái lạnh trên dãy Himalaya, nhưng cũng đủ làm tôi rùng mình cảm giác như vừa bước ra khỏi chăn sáng sớm đầu đông vậy. Những người xung quanh tôi lục rục khoác thêm áo lên người, nhưng tôi kiên quyết không mặc áo khoác.
Tôi muốn để cái lạnh thấm vào từng thớ da thớ thịt, hít một hơi thật sâu để cái lạnh ngấm vào cả gan, cả phổi, để gió len lỏi vào từng chân tơ kẽ tóc, để không bao giờ có thể quên cái lạnh đầu tiên của tôi ở châu Phi này. Châu Phi ơi, còn bao nhiêu bất ngờ đang đợi ta ở phía trước nữa?
Đừng chết ở Châu Phi - Huyền Chip - Trích đoạn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét